Danh mục sản phẩm
Hỗ trợ trực tuyến
Tin Tức
Ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vừa đi vào vận hành thương mại, gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam).
Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành chỉ cách Móng Cái, Quảng Ninh 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km.
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đến 20/9/2016 Trung Quốc có 35 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động, tổng công suất là 31.617 MW. Bên cạnh đó nhiều tổ máy khác đang và sẽ được xây dựng. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng, quốc gia này dự kiến vận hành 100 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2030 và 170 nhà máy với công suất 195.000 MW vào năm 2050.
Dù là thế hệ công nghệ mới an toàn, nhưng việc xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, nhất là kế hoạch phát triển xuống khu vực tiếp giáp Việt Nam khiến nhiều chuyên gia trong nước lo lắng.
Theo một chuyên gia an toàn hạt nhân, các sự cố từ hạt nhân đều rất nguy hiểm, bởi nó phát tán phóng xạ trong vùng rộng lớn. Do vậy Việt Nam cần tăng cường quan trắc và đưa ra giải pháp kịp thời khi xảy ra sự cố, đồng thời có cơ chế trao đổi thường xuyên với Trung Quốc.
Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, nhà máy đang hoạt động (màu xanh lá cây), đang xây dựng (xanh lam) và trong kế hoạch (đỏ). Nguồn: world-nuclear.org. |
Theo chuyên gia điện hạt nhân Lê Văn Hồng, Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khi xây dựng điện hạt nhân đều có báo cáo đánh giá an toàn và tác động môi trường kỹ lưỡng, dưới sự suy xét của nhiều cơ quan. Kèm theo đó là hệ thống ứng phó phòng chống sự cố.
"Trung Quốc khi làm dự án hạt nhân, tất nhiên đã tính đến chuyện đảm bảo an toàn cho người dân của họ, do vậy người dân Việt Nam có thể phần nào yên tâm", ông Hồng nói đồng thời khuyến nghị Việt Nam nên chủ động có các phương án ứng phó, xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo kịp thời tới dân vùng ảnh hưởng.
Ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học Công nghệ) cho hay, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế, trong đó có Công ước thông báo sớm sự cố hạt nhân. Nghĩa là bất kỳ sự cố hạt nhân nào, mạng lưới thông báo quốc tế sẽ cung cấp thông tin cho Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước an toàn hạt nhân, mỗi thành viên đều có quyền yêu cầu thành viên khác báo cáo tình trạng an toàn của bất kỳ nhà máy nào. "Sắp tới, Cục sẽ làm việc với cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc để thỏa thuận việc trao đổi thông tin về vấn đề này", ông Tấn nói.
Về hệ thống mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường, ông Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử cho hay, bên cạnh hai trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện khoa học kỹ thuật hạt nhân, Bộ đã đặt hệ thống quan trắc online tại Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai. Việt Nam còn có một trạm quốc gia của Viện Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) có thể quan trắc ngoài biển.
Nguồn : vnexpress.net